photocopytuananhcall-to-ads-460px-80px

Để ngành công nghiệp “không khói” cất cánh

Viết bởi du lịch Tây Ninh - TayNinhTour.

Nhiều người cho rằng, để ngành công nghiệp không khói ở Tây Ninh thực sự cất cánh, nên chăng tỉnh cần tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch thường xuyên đưa khách đến tham quan Tây Ninh, ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp về những yếu kém của du lịch Tây Ninh, nhất là ý kiến hướng dẫn viên du lịch và du khách. Từ đó có những kế hoạch khắc phục và xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.

khach tham quan du lich tay ninh

Hướng dẫn viên (giữa) đưa du khách nước ngoài đến tham quan Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Lê Hồng Anh- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, Tây Ninh rất có tiềm năng trong việc phát triển các loại hình du lịch, có điều kiện kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ, nước bạn Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN... do đó cần quy hoạch và đầu tư thoả đáng, bằng các biện pháp thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch có lợi thế, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn phát triển du lịch của tỉnh với du lịch của vùng, theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh.

Về phía tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới. Tứ đó cho thấy ngành công nghiệp “không khói” này chiếm một vị thế không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, để du lịch Tây Ninh “cất cánh”, còn rất nhiều vấn đề cần bàn, từ vi mô đến vĩ mô.

Không cần bàn cãi, Tây Ninh có rất nhiều tiềm năng du lịch, với nhiều loại hình phong phú, đa dạng và hoà quyện với nhau: du lịch thắng cảnh, du lịch “về nguồn”, du lịch tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm… Thế nhưng, dường như du lịch Tây Ninh chỉ nổi bật nhất ở lĩnh vực du lịch tâm linh, với sự thu hút khách du lịch (đúng ra là khách hành hương) tập trung ở hai địa điểm núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, nhưng ở những nơi này cũng chỉ thật sự nhộn nhịp vào tháng Giêng âm lịch hằng năm và đôi ba ngày lễ lớn của tôn giáo Cao Đài.

Nói du lịch Tây Ninh vừa yếu, vừa thiếu cũng không có gì là quá. Bởi lẽ ngoài những dịp lễ kể trên thì những ngày còn lại du lịch Tây Ninh rơi vào cảnh đìu hiu. Các điểm du lịch chưa phát huy được nhiều tác dụng mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh nhà. Khi tìm hiểu những hạn chế của ngành du lịch, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước những ý kiến góp ý của các hướng dẫn viên, các du khách đến Tây Ninh.

Anh Hoà, ngụ tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, tài xế xe 16 chỗ thường xuyên đưa khách lên Toà thánh Tây Ninh tham quan cho rằng, nếu lấy thành phố Hồ Chí Minh làm tâm thì khoảng cách giữa thành phố Hồ Chí Minh đi Tây Ninh và Vũng Tàu là gần ngang nhau.

Thế nhưng, khi anh chở khách từ thành phố Hồ Chí Minh đi tham quan Tây Ninh, có tìm mỏi mắt cũng không thấy được một trạm dừng chân cho khách nghỉ ngơi, vệ sinh. Trong khi dọc theo quốc lộ 51 đi Vũng Tàu có khá nhiều trạm dừng chân cho khách nghỉ ngơi, đi vệ sinh, ăn uống và mua sắm đặc sản.

Còn quán xá trên đường lên Tây Ninh, chỉ ở khu vực huyện Trảng Bàng là có hệ thống các quán bánh canh Trảng Bàng phục vụ du khách, nhưng muốn vào nghỉ ngơi, đi vệ sinh thì khách phải ăn bánh canh, bánh tráng! Còn nhà vệ sinh ở các quán nước dọc theo quốc lộ 22 và 22B phần lớn không bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đây không thể xem là chuyện nhỏ, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Tương tự, chị Đoàn Thị Ngọc Yến, một hướng dẫn viên du lịch có thâm niên hơn 20 năm thường xuyên đưa khách du lịch nước ngoài là người nói tiếng Pháp đến Tây Ninh, chia sẻ, khách Tây, vốn thường chú trọng đến vấn đề vệ sinh và việc không có nhà vệ sinh trên đường đến Tây Ninh tham quan đã để lại hình ảnh “chưa đẹp”  trong mắt họ.

Theo anh Hoà và chị Yến, nên chăng Tây Ninh cần khuyến khích các nhà đầu tư, bỏ vốn xây dựng các trạm dừng chân đúng nghĩa để phục vụ du khách, nâng cao hình ảnh du lịch của Tây Ninh, đồng thời cũng là nơi có thể kinh doanh, giới thiệu các loại đặc sản bảo đảm chất lượng của tỉnh cho du khách.

Ngoài ra, ở Tây Ninh, muốn tìm một nhà hàng phục vụ khách du lịch, nhất là khách nước ngoài cho đúng tầm cũng “đỏ con mắt”. Có chăng chỉ là vài ba quán cơm quen thuộc ở thành phố Tây Ninh mà các hướng dẫn viên du lịch buộc lòng phải đưa khách đến dùng cơm trưa, do không còn sự lựa chọn nào khác! Chị Yến kể, chị thường hướng dẫn các đoàn du khách trong nước đi tham quan Tây Ninh.

Nghe tiếng trên quốc lộ 22B gần thành phố Tây Ninh có một quán bán các món thịt bò nổi tiếng nên nhiều du khách trong nước muốn thưởng thức. Nhưng khi chị đưa khách đến ăn thì họ khá thất vọng, không phải vì chất lượng món ăn mà do hình thức quán.

Bởi đó chỉ là quán nhậu, bàn ghế thấp lè tè, không khí ngột ngạt, nóng bức... nên dù món thịt bò ở quán rất ngon nhưng khách ngồi ăn không thoải mái. Chị thắc mắc, tại sao các quán ăn không đầu tư khang trang hơn để phục vụ du khách, giống như các quán ăn chuyên bán cua ghẹ ở Vũng Tàu.

Về “đặc sản” Tây Ninh cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Anh Tuấn, một du khách đến từ tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước đây mỗi khi anh đi Tây Ninh thường được bạn bè nhờ gửi mua muối ớt tôm. Nhưng thời gian gần đây, ít ai gửi anh mua nữa do chất lượng Muối tôm không còn ngon như ngày trước, theo anh là có thể anh đã mua nhầm loại muối ớt tôm “giả”.

Anh Tuấn băn khoăn: tại sao các cơ sở sản xuất muối ớt tôm uy tín ở Tây Ninh không mở cửa hàng để giới thiệu và bán sản phẩm chính hiệu do mình sản xuất, giống như các cơ sở sản xuất nem, bánh pía ở các tỉnh miền Tây đang làm để khách khỏi mua lầm. Khi đó, khách có chỗ mua đúng sản phẩm, còn doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tốt về thương hiệu, tạo điều kiện cho du khách được tham quan quy trình chế biến muối ớt tôm.

Anh Tuấn cho rằng, nếu không quan tâm kịp thời thì sớm muộn muối ớt tôm Tây Ninh sẽ không còn thu hút được du khách do quá nhiều sản phẩm được bày bán tràn lan, khiến du khách không biết đâu mà lần! Chỉ có bánh tráng Trảng Bàng do khách ăn tại quán nên ít nghe phàn nàn.

Anh Phong, một người chạy xe ôm ở khu vực Toà thánh Tây Ninh khoe rằng, dù chỉ chạy xe ôm ở loanh quanh Toà thánh nhưng anh vẫn “kiếm cơm” được nhờ kiêm nghề “hướng dẫn viên”. Anh Phong cho biết, hiện nay các công ty lữ hành du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh thiết kế đưa du khách, nhất là du khách nước ngoài đến Tây Ninh theo lộ trình chỉ đến Toà thánh Tây Ninh rồi quanh về Bến Đình - Củ Chi.

Do đó, có nhiều du khách nước ngoài khi đến Toà thánh Tây Ninh tham quan xong, phải kêu cánh xe ôm chở đi tham quan núi Bà, hoặc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Khi đó, anh Phong vừa chạy xe ôm chở khách, vừa làm “hướng dẫn viên” với vốn tiếng Anh bập bẹ đưa du khách đi tham quan.

Thế nhưng khi đến Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, du khách có nhu cầu vào một nhà hàng để dùng bữa anh cũng chẳng biết tìm đâu. Anh Phong tiếc rẻ: nếu ở khu vực đường vào núi Bà Đen có một nhà hàng đúng nghĩa hay một Khách sạn đúng tầm để phục vụ du khách thì quá hay.

cho long hoa tay ninh

Cảnh nhếch nhác tại Khu C,D chợ Long Hoa, nơi du khách thường ghé thăm khi đi du lịch Tây Ninh.

Anh Phong cho biết thêm, ngoài khách nước ngoài thì du khách trong nước cũng nhiều lần cảm thấy thất vọng trước những cái thiếu cơ bản nhất của ngành du lịch Tây Ninh- là nhà hàng và Khách sạn tốt phục vụ cho du khách.

Có lần, một nhóm du khách sau khi tham quan Toà thánh, có nhu cầu tìm một Khách sạn gần chân núi để nghỉ ngơi sáng sớm chinh phục núi Bà Đen, nhưng khu vực dưới chân núi chỉ toàn nhà trọ, không quán xá gì để khách vui chơi, giải trí nên khách đành quay về thành phố.

Anh Phong thắc mắc, ở Tây Ninh không có biển nhưng lại xuất hiện cả một con đường chuyên bán hải sản ở phường IV. Vì thế nên nhiều du khách tỉnh khác ở lại đêm, hỏi anh về các quán ăn phục vụ đêm ở Tây Ninh, anh chỉ đến con đường trên thì nhiều du khách chỉ cười, chắc họ không ngờ lên Tây Ninh lại không được thưởng thức đặc sản của địa phương mà chỉ thấy toàn hải sản xứ khác.

Nhiều người cho rằng, để ngành công nghiệp không khói ở Tây Ninh thực sự cất cánh, nên chăng tỉnh cần tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch thường xuyên đưa khách đến tham quan Tây Ninh, ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp về những yếu kém của du lịch Tây Ninh, nhất là ý kiến hướng dẫn viên du lịch và du khách. Từ đó có những kế hoạch khắc phục và xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.

THẾ NHÂN - Báo Tây Ninh Online

Chỉ thị số 08/CT ngày 11.8.2015 của Chủ tịch UBND tỉnh ngoài việc yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát các khu, điểm du lịch, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm trật tự kỷ cương, văn minh lịch sự.

Tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; bảo đảm vệ sinh, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trong đó có việc đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên tinh thần huy động mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc xúc tiến du lịch gắn với việc quảng bá văn hoá, hình ảnh đất nước con người Tây Ninh, kể cả trên phương tiện giao thông công cộng. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường năng lực cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về du lịch ở cấp huyện, thành phố, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.


Tin liên quan:
Tin cũ hơn:

Đến với Tây Ninh bạn có thể mua hàng miễn thuế tại siêu thị mộc bài Tây Ninh, thăm Siêu thị tây ninh, thăm nhiều cảnh đẹp khắp Tây Ninh...và đặc biệt là được thưởng thức các món ngon đặc sản chỉ có ở Tây Ninh