Về Tây Ninh ăn bánh canh Trảng Bàng
Tô bánh canh Trảng Bàng đơn giản là thế mà chất chứa bao tâm tình, nét
hồn văn hóa ẩm thực và cốt cách đôn hậu của con người Tây Ninh.
"Ngày còn nhỏ tôi đã biết phụ má lặt rau, nấu nước lèo. Đến đời tôi nữa
là 3 đời theo nghề bán bánh canh của gia đình rồi!” - chị Trang, chủ
quán bánh canh Hoàng Minh ở Trảng Bàng, Tây Ninh chia sẻ.
Danh tiếng 40 năm
Gia đình chị Trang mở tiệm từ khi bánh canh Trảng Bàng chưa nổi tiếng.
Ngày đó, quán chị chỉ là một căn nhà vách ván cũ
kỹ, bán với giá 1 đồng/tô cho những người nông dân mỗi sáng đi ruộng.
Vậy mà sau 40 năm, danh tiếng của tiệm bánh canh ấy đã lan xa không chỉ ở
Trảng Bàng mà còn nổi tiếng khắp nơi như một thương hiệu lớn.
Những sợi bánh canh trắng ngần, dai và đậm đà hương
vị ấy sau khi qua các công đoạn xay, ép, trần… lại tỏa hương thơm kỳ
lạ. Trong những chiều mưa, xì xụp tô bánh canh nóng hổi thì không còn
gì bằng.
Tô bánh canh Trảng Bàng đơn giản là thế mà chất
chứa bao tâm tình, nét hồn văn hóa ẩm thực và cốt cách đôn hậu của con
người Tây Ninh. Nhưng quan trọng hơn, nó mang một hương vị rất riêng, mà
du khách chỉ có thể cảm nhận được ở mảnh đất miền Đông hiền hòa này.
Nếu như nhắc đến bánh canh Trảng Bàng thì cũng
không thể quên món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc. Những chiếc
bánh tráng sau khi được tráng, trong đêm khuya người ta phơi chúng
khoảng 15 - 30 phút để đạt độ mềm nhất định.
Dường như những chiếc bánh sau khi hấp thụ sương
đêm, chúng trở nên ngon ngọt hơn, và chỉ riêng xứ Trảng Bàng mới có thể
làm ra được những chiếc bánh như vậy.
Những chiếc bánh tráng cuốn kèm với rau, thịt luộc,
đồ chua chấm với nước mắm trở thành món ăn tuy dân dã mà cũng không kém
phần sang trọng. Một thực khách cho biết: “Tôi mới lần đầu đến Tây
Ninh, đến thị trấn Trảng Bàng, ghé vào quán bánh canh ăn cho biết, vì
tôi nghe nói những món ăn này rất ngon. Sau khi thưởng thức bánh canh và
bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc ở đây tui thấy đúng là danh bất hư
truyền!”.
Muôn vị rau sông
Góp phần làm cho các món ăn kể trên có được hương
vị riêng không thể không kể đến công trạng đĩa rau sống. Ngoài những thứ
rau trồng thì các loại rau được hái dưới sông mới chính là thành phần
“chủ lực” góp phần đưa thương hiệu bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi
sương cuốn thịt luộc vào thực đơn của các nhà hàng, quán ăn sang trọng.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, nếu bánh canh Trảng Bàng không có đĩa rau
sống thì nó chưa chắc đã nổi tiếng như thế.
Rau sông gồm nhiều loại như: trâm ổi, trâm sắn, rau
mặt trăng, bứa... mỗi thứ mang hương vị khác nhau như chua, chát hay cả
chát lẫn chua.
Để có được những loại rau vừa kể, người hái rau
sông phải tìm ở hai bờ Vàm Cỏ Đông. Chúng mọc tự nhiên quanh các triền
sông và sống nhờ vào hơi thở của sông nước.
Các loại rau này không bóng bẩy nhưng cũng đủ vẻ
mơn mởn, tươi xanh để hấp dẫn thực khách. Đó là màu xanh của ngọn bù
lời, màu đỏ bầm của rau trâm ổi, rau câu, màu vàng chanh của cọng bứa,
màu hồng phấn của lá mặt trăng…
Những hương vị độc đáo của rau sông hòa quyện vào
cái cay nồng của ớt, tiêu, vị ngọt ngào của nước dùng và hơi nóng hừng
hực của tô bánh canh sẽ làm cho bất cứ ai cũng nhớ mãi khi thưởng thức.
Lúc dùng rau sông, thực khách an tâm tuyệt đối, vì chúng không được "uống" thuốc bảo vệ thực vật.
Mong bánh canh Trảng Bàng xuất ngoại
Mong bánh canh Trảng Bàng xuất ngoại
Chủ quán bánh canh Hoàng Minh cho biết: thịt luộc
phải bảo đảm không bị nhừ, nhưng cũng không bị sống. Những lát thịt khi
xắt mỏng phải giữ nguyên màu trắng tự nhiên và ăn phải có hương vị thơm
ngọt từ thịt.
Còn nước lèo thì chế biến sao cho có độ ngọt tự
nhiên, không nêm đường lẫn bột ngọt. Khi khách hỏi tới: cách làm sao để
được như thế. Chị chủ quán cười trừ: “Bí quyết nghề nghiệp mà em!”.
Ngày trước, bánh canh Trảng Bàng hút khách nhất là
khi vào dịp hội xuân núi Bà. Còn ngày nay, do khu kinh tế cửa khẩu Mộc
Bài phát triển, du khách tìm đến thưởng thức bánh canh Trảng Bàng đông
và đều đặn hơn, đặc biệt là ngày thứ 7 và Chủ nhật.
Chị Trang tâm sự rằng rất muốn bánh canh Trảng Bàng
xuất ngoại thật rầm rộ để nhiều người biết đến món ăn ngon của Việt Nam
nói chung và Tây Ninh nói riêng. Chị giải thích "bởi chỉ như vậy, mình
mới có thể đem văn hóa ẩm thực của ta đến với bạn bè khắp nơi".
Theo Thanh Niên Online