Du lịch Tây Ninh - “công chúa còn ngủ trong rừng”
Giải pháp nào để thúc đẩy ngành du lịch Tây Ninh phát triển- đó là câu hỏi mà các vị lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh đã và đang tích cực quan tâm để tìm kiếm đáp án, đặc biệt là trong thời gian gần đây.
Cuối tháng sáu vừa qua, trong một cuộc họp bàn về quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang cho rằng: “Tây Ninh chắc chắn sẽ phải phát triển bằng ngành du lịch.
Trong tương lai gần, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng giúp cho tỉnh nhà cất cánh, nếu chúng ta biết phát huy hết tiềm năng danh lam, thắng cảnh mà thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng….”. Thật vậy, so với những tỉnh, thành phía Nam, Tây Ninh có nhiều ưu thế để phát triển du lịch, nhưng bao nhiêu năm qua rồi ngành công nghiệp không khói này vẫn bước từng bước chậm chạp, ì à ì ạch… Có thể ví du lịch Tây Ninh giống như nàng công chúa còn ngủ mê mải giữa rừng sâu, chưa được ai đánh thức.
Tiềm năng không thiếu
Danh lam, thắng cảnh ở Tây Ninh rất phong phú, đa dạng, vừa có núi, có rừng, vừa có sông, có hồ… Trong số đó, núi Bà Đen có vai trò đặc biệt quan trọng.
Không chỉ là điểm nhấn về không gian và cảnh quan, núi Bà Đen còn là di tích lịch sử văn hoá quốc gia, là điểm đến du lịch tâm linh quan trọng nhất của tỉnh. Có thể nói khách du lịch đến Tây Ninh không ai không viếng thăm núi Bà. Là một trong 4 khu du lịch quốc gia của vùng Đông Nam bộ, thì khu du lịch Cần Giờ, khu du lịch Côn Đảo và khu du lịch Long Hải - Phước Hải đều gắn với biển đảo, do vậy, khu du lịch núi Bà Đen trở nên có lợi thế đặc biệt hơn hẳn.
Một địa danh dành cho du lịch tâm linh mà khi đến Tây Ninh, du khách cũng không thể bỏ qua, đó Toà thánh Cao Đài. Đây chính là điểm dừng chân ấn tượng cho khách thập phương. Ngoài ngôi đền thánh có kiến trúc độc đáo, tinh xảo, trong khuôn viên khu nội ô Toà thánh rộng thênh thang còn có Điện thờ Phật mẫu, vườn hoa Đoàn Kết và cả khu rừng thiên nhiên vốn là rừng nguyên sinh được bảo tồn với hàng trăm cây cổ thụ. Hằng năm, Toà thánh thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hành hương tham dự các lễ hội tôn giáo truyền thống hằng năm.
Một ưu thế tự nhiên khác của Tây Ninh là Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nằm ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, giáp ranh với tỉnh Tbong Khmun của Vương quốc Campuchia. Vườn như một dấu gạch nối giữa vùng núi rừng Tây Nguyên với đồng bằng Nam bộ. Trong Vườn có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam. Vườn còn là nơi dừng chân hằng năm của các loài sếu đầu đỏ, giang sen, cò... Trong 8 tháng đầu năm 2014, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã đón tiếp 2.864 lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Vườn được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học và sinh thái.
Không thể không kể đến Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- nơi trú đóng của các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, nơi đây còn giữ được hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh, cùng những dấu tích lịch sử, như các công trình nhà ở, nhà làm việc của các vị nguyên lãnh đạo Trung ương Cục. Hàng chục năm qua, khu di tích này đã trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều thế hệ đến tham quan, tìm hiểu về một thời đấu tranh gian lao mà anh dũng của quân dân ta.
Nói đến cảnh đẹp Tây Ninh, còn phải nhắc hồ Dầu Tiếng- đại công trình thuỷ lợi lớn nhất Đông Nam Á. Mặt nước hồ mênh mông như biển, ở giữa và ven hồ còn có nhiều đảo, bán đảo cây xanh bạt ngàn- là nơi cư trú của nhiều loại chim trời, hứa hẹn điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.
Tây Ninh còn có những cảnh quan, địa danh, địa chỉ du lịch khác như sông Vàm Cỏ Đông nên thơ đã đi vào văn học, nghệ thuật Việt Nam, như những ngôi chùa trên trăm năm tuổi, những cửa khẩu quốc tế… thuận tiện cho phát triển du lịch quốc tế. Chưa hết, Tây Ninh còn có rất nhiều đặc sản nổi tiếng đã có thương hiệu như: bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bánh canh Trảng Bàng, Muối tôm, muối ớt, mãng cầu núi Bà Đen...
Tất cả những yếu tố trên đã làm nên một tiềm năng thế mạnh sẵn có cho du lịch Tây Ninh.
Bao giờ mới hết...… ngủ mê ?
Mặc dù có nhiều ưu thế vượt trội như vậy, nhưng đến nay Tây Ninh vẫn chưa khai thác được tiềm năng của mình để phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2012-2013, tiềm năng ấy mới chỉ được khai thác ở mức độ khiêm tốn, với tổng doanh thu đạt hơn 1.043 tỷ đồng.
Khách tham quan 5,3 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,46%/năm. Nhìn chung, kết quả hoạt động du lịch có tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 4.10.2012 của tỉnh (về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến 2020).
Cụ thể hơn, Khu du lịch núi Bà Đen hiện có 2.400 ha đất du lịch, nhưng trên thực tế ở đây chỉ mới đầu tư xây dựng hai hệ thống cáp treo, một hệ thống máng trượt và vài ngôi chùa. Ngoài ra chẳng có gì. Núi thu hút khách bằng du lịch tâm linh là chính, trong khi vẫn sẵn mang những yếu tố có thể phát triển du lịch khám phá, mạo hiểm, nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 8.2014 do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn phát biểu: “du lịch phải có cái mới và phải có sự kiện. Núi Bà Đen năm nào du khách cũng lên thắp hương rồi về vì không có gì mới để ở lại”.
Ông Phan Văn Sử- Giám đốc Sở Nội vụ thì cho rằng: “Hiện nay còn bất cập, chồng chéo trong khâu tổ chức, quản lý thực hiện giữa Ban Quản lý núi Bà và Công ty du lịch Tây Ninh. Các đơn vị chưa có sự phối hợp nên chưa phát huy hết tiềm năng du lịch núi Bà”.
Đối với Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hạn chế hiện nay là khâu tổ chức các tuyến du lịch còn quá đơn điệu, chưa thật sự hấp dẫn du khách. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch ở đây còn thiếu, công tác quảng bá chưa sâu rộng, đường giao thông thì xuống cấp, đi lại khó khăn.
Nhân chuyến khảo sát tiềm năng du lịch Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát vào trung tuần tháng tám vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ mong muốn: “Nhân viên Vườn quốc gia nên tăng cường công tác thuyết minh bằng hệ thống loa phát thanh, phục vụ thêm việc ăn, uống trên tàu và mở thêm nhiều tuyến du lịch khác trong vườn”.
Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cũng là nơi có cảnh quan đẹp, đó là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với không khí trong lành, mát lạnh. Nhưng theo nhận xét của bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: “Nơi đây nhiều năm nay không có gì mới, nên với những du khách đã từng đến đây, nhân viên khu di tích… không còn gì để giới thiệu.
Đường vào khu di tích nay đã hư hỏng, nhiều ổ gà, ổ voi, mùa mưa cũng khó đi”. Nhiều năm nay, các vị lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều đã nhiều lần bàn bạc về việc nên đầu tư xây dựng khu di tích kết hợp với tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng hay giữ nguyên hiện trạng? Họp tới họp lui nhiều lần, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về hướng phát triển của khu di tích này.
Hội xuân núi Bà Đen luôn thu hút đông đảo khách tham quan.
Hồ Dầu Tiếng được ví như “hòn ngọc xanh” giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng đã được một số công ty, tập đoàn lên kế hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái, phim trường lớn nhất cả nước. Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay, tất cả những dự án hấp dẫn ấy đều không trở thành hiện thực. “Hòn ngọc xanh” giờ đây gần như đã thành hòn đảo hoang, ai muốn vào trồng trọt, chăn nuôi hay buôn bán gì cũng được. Vào những dịp lễ, tết, có một vài tốp du khách trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, ngắm cảnh, vui chơi dã ngoại nhưng ngành du lịch tỉnh nhà chắc chắn không thu được đồng nào từ họ.
Còn nợ một đáp án
Ngành du lịch Tây Ninh chưa cất cánh được còn do nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như sản phẩm du lịch còn rất đơn điệu, chất lượng lại không cao nên chưa đủ sức thu hút khách tham quan, chưa cạnh tranh nổi với các sản phẩm du lịch của các địa phương bạn trong khu vực. Công tác quy hoạch chi tiết một số khu, điểm du lịch chưa kịp thời, ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới. Công tác kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Còn ít nhà đầu tư và chưa có nhà đầu tư chiến lược nào xông vào lĩnh vực du lịch Tây Ninh.
Nguồn thu du lịch của tỉnh chủ yếu từ các cơ sở lưu trú- nhà hàng và Công ty cổ phần Cáp treo, tuy nhiên các doanh nghiệp này cũng chưa mạnh dạn đầu tư thêm để phát triển sản phẩm du lịch. Cơ cấu tổ chức cho ngành du lịch chưa phù hợp, nguồn nhân lực trong công tác quản lý Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Nguồn lao động trong các doanh nghiệp du lịch cũng chưa đáp ứng được tính chuyên nghiệp, tỷ lệ chưa qua đào tạo rất cao. Công tác xúc tiến du lịch chưa mạnh, chưa chủ động tìm kiếm thị trường, tổ chức sự kiện du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh.
Tây Ninh cũng chưa thành lập Hiệp hội du lịch nên chưa tạo được sự gắn kết giữa cơ quan chuyên ngành với doanh nghiệp và sự liên kết, hỗ trợ, trao đổi kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau.
Đi tìm lời giải cho câu hỏi làm gì để đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng” là việc mà Tây Ninh cần làm và phải làm. Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong một số báo gần đây.
Đại Dương - Kim Ngân (Theo Báo Tây Ninh)
- 25/04/2015 22:17 - Kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30.4: Biểu trưng Tây Ni…
- 07/09/2014 22:11 - Tết Trung thu ở các nước châu Á
- 05/02/2013 21:37 - Khai mạc chợ hoa xuân Thị xã Tây Ninh
- 15/02/2012 16:45 - Ngày 16.2 khởi công xây mới Cầu Quan Tây Ninh
- 05/02/2012 22:41 - Phát triển du lịch Tây Ninh hướng tới tầm quốc gia
- 21/01/2012 21:08 - Từ thị xã Tây Ninh nhìn về thành phố tương lai