Về Tây ninh ăn Thằn lằn núi bà đen
Khi đã bão hoà với những món ăn thường ngày (thịt bò, heo, gà, cá…),
tự nhiên người ta… chán ăn. Trong tình trạng “chán ăn” như vậy, một lần
về Tây Ninh, anh bạn tôi rủ đi nhậu lai rai. Trước khi đi, tôi cẩn thận
hỏi thực đơn là món gì? Anh bạn nói tỉnh queo: “Thằn lằn núi!”.
Lúc đầu nghe thấy ớn. Có ai xơi thịt thằn lằn bao
giờ cha nội? Anh bạn có vẻ tự ái, lùi lũi đưa tới một quán nằm giữa
cánh đồng dưới chân núi Bà Đen, có cái tên ngồ ngộ: Sân Cu quán. Trong
khi chờ món thằn lằn, tôi hồi hộp dùng trước món bánh tráng phơi sương
Trảng Bàng, lòng không khỏi lo lắng khi nghĩ đến những con thằn lằn da
xanh lét bò loằng ngoằng trong vườn, trên mái nhà ở quê mình ngoài Bắc.
Thứ đó chỉ mới thấy mấy cha chơi gà chọi bắt chặt khúc cho các võ sĩ gà
ăn tươi, nuốt sống chứ thấy ai ăn bao giờ?
Thằn lằn núi đã được mang lên bàn nhậu. Nhìn những
chú chàng bị mổ bụng, chiên giòn để trong dĩa cùng mấy lát cà chua đỏ,
rau xà lách xanh rất hấp dẫn. Thịt thằn lằn núi hoá ra… ngon quá chừng.
Thơm, giòn, béo… cuốn chung với rau giá lụa, đọt cóc, đọt rau nhái và
mấy thứ rau thơm khác chấm mắm me, “đã” vô cùng! Mấy anh bạn nói thứ
nầy chỉ có trên núi Bà, đi câu được con thằn lằn núi cũng “trần ai” lắm
chớ không dễ dàng gì. Chừng mười năm về trước, thằn lằn núi chưa bị xếp
hạng vào món đặc sản, chúng toàn bự gần bằng cườm tay, chỉ một con là
ba người “đi” hết hai lít đế. Bây giờ thì chúng không kịp lớn, mới bằng
ngón tay cái người lớn là bị bắt đem lên bàn nhậu rồi.
Thằn lằn núi ăn không ngán, thịt nhiều đạm, bổ
dương. Khách nơi khác đến Tây Ninh được thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Tuy vậy, nếu không có biện pháp bảo vệ, khai thác hợp lý, sợ một ngày
nào đó thằn lằn núi sẽ bị tuyệt chủng. Các đệ tử lưu linh sẽ không còn
cơ hội thưởng thức món đặc sản trời cho này
Tags: