Ở cổng chính, vất vả nhất là việc gửi xe mô tô. Tôi đến đây vào buổi chiều tối các ngày mùng 3, mùng 4 và mùng 6 Tết Canh Dần đều thấy bãi giữ xe kẹt cứng với cả ngàn người chờ đợi. Bãi khá rộng nhưng chỉ tại việc bố trí, phân luồng xe vào, ra không hợp lý. Trong khi tất cả các xe mô tô đều phải quẹo phải để vào bãi thì các cổng bên phải lại bố trí thành… cổng ra, khiến người điều khiển xe đến đây đều lúng túng. Ngược lại, xe từ trong bãi muốn ra thì phải chen ngang dòng xe chạy vào mới thoát được (trông giống như tình trạng kẹt xe ở một ngã tư). Hai nhân viên soát vé ở cổng ra phải thường xuyên bỏ vị trí, đi ra ngoài hướng dẫn dòng xe vào bên trái.
Bãi giữ xe ở cổng chính bị “kẹt cứng”
Tình hình phía sau cổng cũng vậy, hầu hết các phương tiện vào - ra cứ phải chen lấn, cắt ngang lẫn nhau để đi. Khá nhiều trường hợp va quẹt, dẫn đến cãi cọ.
Việc bố trí các cổng vào, ra vừa thừa, vừa thiếu. Toàn bãi giữ xe có 13 cổng, trong đó, 8 cổng vào, 3 cổng ra và 2 cổng bỏ trống (để dành cho người gửi xe đi bộ từ trong bãi ra). Việc bố trí đến hai cổng cho người đi bộ ra là rất lãng phí. Thực tế cho thấy, chỉ cần một cổng dành cho việc này là đủ. Trong khi đó, nếu tận dụng thêm một cổng vào thì sẽ giảm bớt đáng kể tình trạng ùn tắc. Các nhân viên ở bãi giữ xe còn thiếu sự linh động. Vào những giờ cao điểm, như từ khoảng 16 giờ đến 19 giờ hằng ngày, lượng xe vào thường nhiều hơn xe ra, hoàn toàn có thể chuyển đổi cổng ra thành cổng vào. Ngược lại, vào buổi trưa và giờ khuya, xe ra nhiều hơn xe vào thì giảm bớt cổng vào, tăng cường cho cổng ra. Cả ba lần tôi đến gửi và lấy xe ra đều thấy nhân viên giữ xe ở đây cứ để mặc cổng vào lo không kịp, còn cổng ra bỏ trống.
Tình hình ở cổng phụ (phía bên đường đi huyện Dương Minh Châu) cũng không kém “thê thảm”. Việc gửi xe mô tô ở đây cũng kẹt cứng như ở cổng chính. Gọi là cổng phụ, nhưng lượng khách đến đây đông không thua kém gì ở cổng chính. Vì cổng này đón khách từ các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai. Chưa kể nhiều người muốn gửi xe ở cổng phụ để vào cáp treo, máng trượt gần hơn. Bãi giữ xe mô tô ở cổng phụ có 4 cổng vào, 1 cổng ra và cũng không đủ tải. Chiều ngày 19.2 (mùng 6 Tết), khi tôi có mặt ở đây thì thấy có hàng trăm người đang đứng chờ gửi xe vào bãi. Ở cổng này chưa có bãi giữ xe ô tô, vì vậy các xe chở khách đến đây đều phải đậu tràn lan từ lề ra lòng đường.
Ở cổng phụ chỉ có một phòng bán vé nhỏ. Vào những giờ cao điểm, có từ 6 - 8 nhân viên bán vé nhưng không đủ sức cung cấp vé cho hàng trăm người. Khoảng 17 giờ ngày 19.2, tôi phải ra sức chen lấn gần 30 phút mà vẫn không thể nào có được tấm vé. Một phụ nữ sau khi mua được vé phàn nàn: “Tôi chờ cả tiếng đồng hồ mới mua được. Mệt muốn xỉu luôn”.
Hàng trăm người mệt mỏi vì chờ mua vé ở cổng phụ
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, anh Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp- Tổ chức, Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hoá – danh thắng và du lịch núi Bà Đen cho biết: “Những năm trước đây, khu du lịch núi Bà thuộc Công ty cổ phần Du lịch Tây Ninh. Năm 2010, Công ty cổ phần Du lịch Tây Ninh mới bàn giao một phần về cho Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch. Chúng tôi mới nhận bàn giao từ ngày 11.2 (tức 28 Tết) nên chưa kịp lên kế hoạch nâng cấp, cải tạo gì cả mà chỉ hoạt động trên cơ sở mặt bằng và cơ sở vật chất cũ. Riêng bãi giữ xe ô tô và mô tô ở cổng chính, Công ty cổ phần Du lịch xin gia hạn đến hết tháng 6.2010 mới bàn giao nên hiện nay việc điều hành hai bãi giữ xe này chưa thuộc quyền hạn của chúng tôi. Dự kiến trong năm tới, chúng tôi sẽ xin phép UBND tỉnh cho xây dựng khu vực cổng phụ rộng lớn, tương đương như bên cổng chính. Trong đó, sẽ có bãi giữ xe ô tô, mô tô và phòng bán vé mới. Phòng bán vé hiện nay sẽ trở thành phòng ở cho nhân viên bảo vệ”.
Theo Báo Tây Ninh Online
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: